KHỚP CẮN HẠNG II, III ANGLE – THIẾT LẬP ĐIỀU TRỊ
1. Thiết lập khớp cắn trong điều trị sai khớp cắn hạng II Angle
Sai khớp cắn hạng II là khi cung răng hàm dưới nằm về phía xa so với cung răng hàm trên. Múi ngoài gần của răng cối lớn thứ nhất hàm trên ăn khớp trong khoảng giữa múi ngoài gần răng cối lớn thứ nhất hàm dưới và mặt xa của răng cối nhỏ thứ hai hàm dưới.
1.1. Thiết lập khớp cắn với hàm dưới đưa về trước nhiều và độ mở hàm nhỏ
Để thiết lập khớp cắn cho việc điều trị, hàm dưới được đưa về trước để đạt tương quan răng cửa đối đầu.
Ở trường hợp sai khớp cắn hạng II có hàm dưới lùi do chức năng, hàm dưới phải từ tư thế nghỉ lùi về sau để đạt khớp cắn thói quen (tư thế lồng múi tối đa). Khi lấy dấu cắn sáp, hàm dưới nên được đưa về trước nhiều hơn so với trường hợp sai khớp cắn hạng II thực sự với đường đóng hàm bình thường. Hàm dưới nên được mở trong khoảng nghỉ tự do.
Khí cụ activator H
Là khí cụ với hàm dưới đưa về trước và có độ mở hàm nhỏ.
Với loại khí cụ activator H này, hàm dưới có thể đưa về trước mà các răng cửa dưới không bị nghiêng về phía môi. Các răng cửa hàm trên có thể dựng đứng hơn. Tuy nhiên, xương nền hàm trên không bị ảnh hưởng nhiều. Khí cụ activator H hiệu quả nhất khi mục tiêu điều trị chính là thay đổi tương quan theo chiều trước – sau của hàm dưới. Chỉ định của khí cụ activator H là sai khớp cắn hạng II chi 1 với độ cắn chìa lớn.
Sai khớp cắn hạng II chi 1 với hàm dưới kém phát triển và hướng phát triển xương hàm dưới theo chiều ra trước cũng là một chỉ định cho activator H. Nên dựng các răng cửa trên và các răng cửa dưới bị nghiêng về phía môi bằng một loại khí cụ khác trước khi dùng activator. Tuy nhiên, có thể thực hiện đồng thời việc điều trị đưa hàm dưới về trước và dựng các răng cửa dưới bằng khí cụ activator.
1.2. Thiết lập khớp cắn với độ mở hàm lớn và hàm dưới ít đưa về trước
Khi thiết lập khớp cắn với độ mở hàm lớn thì hàm dưới chỉ nên đưa về trước 3-5mm so với vị trí khớp cắn thói quen. Tùy vào khoảng tự do, độ mở hàm theo chiều đứng là 4-6mm hay lớn hơn khoảng tự do nhiều nhất là 4mm. Khí cụ activator với độ mở hàm dưới lớn và hàm dưới ít đưa về trước được gọi là activator V và thường được chỉ định cho sai khớp cắn hạng Il với hàm dưới tăng trưởng theo chiều đứng.
Độ mở hàm lớn cho phép phản xạ cơ vẫn hoạt động ngay khi các cơ thư dãn hơn (ví dụ lúc bệnh nhân đang ngủ). Khớp cắn mở ra nhiều có thể ảnh hưởng đến độ nghiêng của xương hàm trên.
Sai khớp cắn hạng II chi 1 với hàm dưới tăng trưởng theo chiều xuống dưới khó có thể cải thiện chiều trước – sau bằng việc đưa hàm dưới về trước. Hoặc hàm dưới có thể đưa về trước nhưng có khả năng gây ra khớp cắn hai thì. Mục đích điều trị bằng khí cụ activator trong trường hợp này là chỉ đưa hàm dưới về trước rất ít và tạo đáp ứng của hàm trên đối với cung răng dưới. Xương hàm trên sẽ lùi sau một phần và sự bù trừ răng – xương ổ răng hổ trợ thêm vào giúp đạt được mục đích trên. Khí cụ activator hướng dẫn các răng sau hàm dưới mọc lên, các răng cửa trên nghiêng về phía lưỡi, các răng cửa dưới nghiêng về phía môi nhưng khí cụ ngăn cản không cho các răng sau hàm trên mọc.
Xem thêm: Thiết lập điều trị khớp cắn hạng I Angle.
2. Thiết lập khớp cắn với hàm dưới mở và lùi về sau trong điều trị sai khớp cắn hạng III
Cung răng hàm dưới có tương quan về phía gần so với cung răng hàm trên. Với múi ngoài gần của răng cối lớn thứ nhất hàm trên khớp với khoảng giữa mặt xa của múi xa răng cối lớn thứ nhất hàm dưới và mặt gần của múi gần răng cối lớn thứ hai hàm dưới.
Sự thay đổi theo chiều đứng của khớp cắn thiết lập phụ thuộc vào kiểu sai khớp cắn và mục tiêu điều trị. Trong sai khớp cắn hạng III, mục tiêu điều trị là đưa hàm dưới về sau hoặc đưa hàm trên về trước. Khớp cắn thiết lập được thực hiện bằng cách hướng dẫn bệnh nhân lùi hàm dưới về sau. Mức độ mở khớp cắn theo chiều đứng phụ thuộc vào khả năng lùi sau của hàm dưới.
2.1. Sai khớp cắn hạng III có hướng dẫn răng hay hàm dưới đưa về trước do chức năng
Trong các trường hợp này, răng cửa hàm dưới chạm sớm ở vị trí đối đầu nên hàm dưới phải trượt về trước để hoàn tất tương quan khớp cắn (hạng III giả).
Khi thiết lập khớp cắn, hàm dưới phải mở đủ lớn để loại bỏ hướng dẫn răng cửa. Khi đó, các răng cửa có tương quan cắn đối đầu và các răng sau hai hàm không tiếp xúc nhau.
Sai khớp cắn hạng III giả
Sai khớp cắn hạng III giả có tiên lượng tốt, nhất là khi việc điều trị bắt đầu vào giai đoạn sớm của thời kỳ răng hỗn hợp. Trong giai đoạn này, các biểu hiện về xương thường không trầm trọng trong khi các biểu hiện sai khớp cắn ngày càng tiến triển. Nếu giữ hàm dưới ở vị trí lùi sau và răng cửa hàm trên về tương quan đúng thì sẽ tạo được hướng dẫn răng cửa. Nếu điều trị trong giai đoạn răng hỗn hợp, xương hàm trên đáp ứng với xương hàm dưới bị nhô và tạo sự cân bằng.
Các răng cửa hàm trên nghiêng về phía lưỡi là một thuận lợi cho điều trị hạng III. Khí cụ activator làm mở hàm dưới và đẩy hàm dưới về sau cho phép lồi cầu nằm trong hõm khớp. Cùng lúc đó, các răng cửa hàm trên được đẩy nghiêng về phía môi tạo hướng dẫn răng cửa thích hợp. Những miếng nhựa ở ngách hành lang vùng răng cửa hàm trên sẽ loại bỏ lực tác động từ môi trên lên hàm trên, cho phép hàm trên tăng trưởng về trước trong giai đoạn các răng cửa hàm trên mọc. Khớp cắn thiết lập với hàm dưới mở vừa phải, đủ để hàm dưới lùi đến vị trí răng cửa đối đầu.
Hàm dưới được giữ ở vị trí lùi sau nhờ cung môi và phần nhựa phủ lên bờ cắn các răng cửa dưới. Nền nhựa tiếp xúc mặt trong các răng trước hàm dưới được mài thoát để các răng này có thể nghiêng về trong. Nền nhựa hàm trên tiếp xúc mặt trong các răng cửa trên để đẩy các răng cửa trên ra trước.
2.2. Sai khớp cắn hạng III do xương với đường đóng hàm (từ vị trí nghỉ đến khớp cắn thói quen) bình thường
Điều trị bằng khí cụ chức năng không phải luôn luôn thành công trong những trường hợp này. Độ mở hàm trong khi thiết lập khớp cắn phụ thuộc vào khả năng đạt đến tương quan răng cửa đối đầu. Nếu bệnh nhân có độ cắn chìa lớn thì khớp cắn thiết lập phải mở theo chiều đứng nhiều hơn.
Chỉ định điều trị bằng khí cụ chức năng cho những trường hợp hạng III thực sự (hạng III do xương) có giới hạn. Thông thường, cần phối hợp điều trị bằng khí cụ tháo lắp, khí cụ cố định và chỉnh hàm kéo xương hàm trên về trước mới có kết quả tốt. Điều trị phẫu thuật cũng có thể đạt được tương quan xương hàm thích hợp theo chiều đứng và chiều ngang.
Tuy nhiên, nếu điều trị bằng khí cụ chức năng trong thời kỳ sớm của giai đoạn răng hỗn hợp thì có thể cải thiện được tương quan hai xương hàm. Khi khớp cắn được mở ra và hướng dẫn răng cửa được thiết lập, thì xương nền hàm trên có thể tăng trưởng và đáp ứng với xương hàm dưới đến một mức độ nào đó.
Hướng dẫn răng cửa được điều chỉnh đúng sẽ ngăn cản hàm dưới đưa về trước trong qua trình điều trị.
3. Kết luận
Điều trị bằng khí cụ chức năng activator có thể đạt được những thay đổi về xương hàm và xương ổ răng. Thời điểm tốt nhất để điều trị bằng khí cụ activator là giai đoạn răng hỗn hợp.
Khí cụ chức năng giải quyết được nhiều vấn đề mà nếu ta bỏ qua thì chúng sẽ trở nên trầm trọng hơn ở giai đoạn răng vĩnh viên. Việc điều trị bằng khí cụ chức năng có thể được tiếp tục bởi điều trị bằng khí cụ cố định hoặc khí cụ tháo lắp ở hàm răng vĩnh viễn. Đôi khi, điều trị bằng khí cụ chức năng có thể phối hợp với nới rộng hàm hoặc khí cụ sử dụng lực ngoài mặt (headgear) trong giai đoạn răng hỗn hợp.
Tuy nhiên, điều trị bằng khí cụ chức năng activator không phải là phương pháp điều trị hoàn toàn cho tất cả các dạng sai khớp cắn. Mức độ thành công trong điều trị những vấn đề về xương phụ thuộc vào thời điểm tăng trưởng, hướng và cường độ tăng trưởng. Những thay đổi xương ổ răng có kết quả tốt trong giai đoạn mọc răng.
Khí cụ activator hiệu quả trong điều trị lùi hàm dưới ở bệnh nhân có hàm dưới tăng trưởng theo chiều ngang, nhưng lại ít hiệu quả ở trường hợp hô hàm trên hoặc tăng trưởng theo chiều đứng. Khí cụ activator không thích hợp cho việc di chuyển răng tịnh tiến, sử dụng lực torque, xoay răng. Bác sĩ lâm sàng phải xem xét những đặc điểm riêng biệt của mỗi trường hợp sai khớp cắn trước khi thực hiện khí cụ activator vì khí cụ activator nên được thiết kế cho từng cá nhân.