Móc Adams là móc thông dụng nhất cho khí cụ tháo lắp di chuyển răng vì khí cụ cần lưu giữ tốt. Được cải tiến từ móc hình mũi tên của Schwarz, và có tính lưu giữ tốt. Được thực hiện bằng kềm chỉnh nha Adams
CÔNG DỤNG CỦA MÓC ADAMS
Tính chất giữ dính rất tốt của móc Adams nhờ có hai ngón tay lưu giữ phía gần và xa. Nên móc Adams được chỉ định trong hầu hết khí cụ chỉnh hình răng mặt tháo lắp. Điều chỉnh móc ngay vị trí hai ngón tay của móc để tăng hoặc giảm độ khít sát của móc.
Ưu điểm của móc Adams
- Bệnh nhân dễ dàng gắn và tháo khí cụ mà ít làm biến dạng móc. Thao tác: dùng ngón tay cái bật thanh ngang lên.
- Có thể làm thêm lò xo phụ lên thanh ngang của móc Adams.
- Móc ở thanh ngang (hàn/ bẻ liên tục với thanh ngang) dùng để mang thun kéo liên hàm.
- Ống hàn dính ở mặt ngoài thanh ngang: dùng cho cung mặt trong khí cụ ngoài mặt.
Giới hạn của móc Adams
Khi gắn khí cụ trong miệng móc Adams nên thụ động, không tạo lực tác động lên răng. Nếu xiết móc quá chặt, sẽ tạo lực làm răng nghiêng vào trong khi gắn không đúng vị trí. Vùng lẹm bị giảm do răng nghiêng, dẫn đến khí cụ đeo không chính xác trong miệng.
Vùng lẹm mặt ngoài răng cối lớn hàm dưới thường không đủ, dẫn đến móc không giữ chặt. Có thể khắc phục bằng cách kết hợp thêm vùng lẹm phía lưỡi.
MÔ TẢ MÓC ADAMS
Móc gồm có thanh ngang, hai ngón tay hình U để giữ dính.
Hai cánh tay tựa trên gờ bên gần, gờ bên xa và phần chân được chôn trong nhựa.
- Thanh ngang: nằm ở phía hành lang, cách mặt ngoài răng khoảng 1mm, nằm song song và dưới đỉnh múi răng 1-2mm, nối với hai ngón tay đặt ở góc gần ngoài và xa ngoài.
- Ngón tay: nằm ở góc gần ngoài và xa ngoài nơi vùng lẹm chuyển tiếp từ mặt ngoài vào mặt bên, hình chữ U, có chiều cao 1,5-2mm thay đổi tùy thuộc vào chiều cao thân răng lâm sàng. Nhìn từ mặt nhai, ngón tay kết hợp với thanh ngang một góc 45°, tạo giữ dính rất tốt cho khí cụ. Ngón tay có vị trí tiếp xúc tới viền nướu hoặc nằm ở bên trong khe nướu ở những thân răng thấp.
- Cánh tay: là hai thanh bên nằm trên gờ bên gần và gờ bên xa hoặc trên mặt nhai nơi hai răng tiếp giáp, nối liền với hai ngón tay, và đi xuống mặt trong của răng thành hai chân được chôn trong nền nhựa.
Móc Adams trên răng nanh, răng cửa và răng cối sữa
- Răng nanh, dùng dây 0,6mm. Móc ôm sát rãnh giữa răng nanh và răng kế bên nên không vướng khi cắn chạm răng cửa dưới.
- Răng cối sữa, dùng dây 0,7mm. Chú ý bẻ thật sát thân răng để tránh cản trở khớp cắn.
- Móc Adams trên một hoặc hai răng cửa nếu các răng này thẳng hoặc không nghiêng nhiều. Thanh ngang nên hơi uốn cong để tránh vướng cộm môi trên và ngón tay không nên đi quá sát viền nướu.
CÁCH THỰC HIỆN MÓC ADAMS
Phác họa móc Adams được bẻ trên răng cối lớn thứ nhất hàm trên. Dùng Kềm chỉnh nha như kềm hai mấu (K139) hoặc kềm Adams để bẻ móc
- Thanh ngang: dài khoảng 2/3 chiều gần xa của răng đặt móc, cách mặt ngoài răng 1mm. Bẻ dây vuông góc ở hai đầu thanh ngang.
- Ngón tay: Đặt mỏ kềm cách thanh ngang 2mm, uốn một cung hình U 180, tạo thành ngón tay dài khoảng 2,5mm. Tiếp tục bẻ thêm một ngón tay ở phía đầu kia của thanh ngang. Lúc này dây vẫn nằm trên cùng mặt phẳng. Bẻ góc tiếp xúc giữa ngón tay và thanh ngang sao cho ngón tay khít sát viền nướu, nơi vùng lẹm góc gần ngoài và xa ngoài của răng. Thanh ngang sẽ nằm khoảng 1/3-1/2 chiều cao mặt ngoài thân răng và có ngón tay nghiêng góc 45°. Nếu ngón tay chạm răng kế bên phải chỉnh sửa lại.
- Cánh tay: Bẻ kế tiếp đoạn dây đi trên tiếp điểm của răng. Đoạn dây bẻ nơi tiếp xúc ngón tay và đoạn nối nằm bên trên tiếp điểm của răng rất quan trọng và khó thực hiện. Dùng kềm chỉnh nha kẹp chặt ngón tay của móc, mỏ kềm đặt khoảng ½ chiều cao ngón tay, bẻ một góc nhọn ra phía trước và bên ngoài mỏ kềm, không đi vòng trên mỏ kềm. Phải dùng kềm chỉnh nha đấy nắm chặt phần ngón tay của móc khi bẻ đoạn này. Đoạn cánh tay này được nằm trên gờ bên của răng, không tựa trên răng kế cận, tránh cao quá gây vướng cộm khớp cắn.
- Chân móc: Từ cánh tay tựa trên gờ bên hoặc bên trên tiếp điểm, bẻ chân móc đi vào mặt trong của răng, chân móc phải cách niêm mạc mặt trong răng 0,5-1 mm để nằm hoàn toàn trong nền nhựa. Adams đề nghị chân móc nên bẻ gập góc vào nền hàm để nâng đỡ moc thăng bằng. Trong trường hợp khí cụ làm bằng nhựa nấu, nên bẻ chân móc lưu theo cách này.