Cơ học đóng khoảng có thể được phân loại thành các hệ thống ma sát và không có ma sát. Trong hệ thống ma sát, các răng di chuyển bằng cách trượt học theo dây cung, như chuyển động của tàu hỏa trên đường ray. Tuy nhiên, trong hệ thống không ma sát, các răng di chuyển trên cung răng nhờ các loop, tương tự như một toa tàu được nhấc lên và di chuyển bởi một cần trục.
Hệ thống ma sát
Cơ học ma sát hiện diện trên một dây cung liên tục, bao gồm tất cả các răng từ răng hàm lớn sang răng hàm lớn. Nhờ có các dây thẳng được tạo hình sẵn với tỉ lệ tải/thoái lực rất thấp và độ bật đàn hồi (Springback) cao như dây NiTi, việc làm phẳng răng không còn là vấn đề lớn nữa. Thêm vào đó, thời gian điều trị trên ghế răng trở nên ngắn hơn so với các cơ học thông dụng cần các dây cung nhiều loop. Tuy nhiên, các dây thẳng có thể bị ảnh hưởng bởi vị trí các răng, độ nghiêng mắc cài và hình dạng chung của cung răng, do vậy đưa tới các cơ học tĩnh không xác định được. Hơn nữa, có thể sẽ khó xác định trước được độ nghiêng cuối cùng của mặt phẳng khớp cắn.
Chun liên hàm theo chiều dọc hoặc headgear thường cần thiết để giữ cho tương quan lồng khớp được kiểm soát trong suốt quá trình điều trị. Mặc dù với các nhược điểm như vậy, các dây thẳng và cơ học ma sát lại là hệ thống lực được sử dụng phổ biến nhất trong thực hành hàng ngày bởi chúng dể sử dụng và đòi hỏi ít thời gian trên ghế răng.
Ưu điểm
- Các dây thẳng dễ sử dụng, do vậy đòi hỏi ít thời gian trên ghế răng.
- Sự khó chịu của bệnh nhân (các vấn đề vệ sinh, phần mềm viêm tấy) ít gặp hơn so với các dây NiTi đàn hồi.
- Làm phẳng có thể được thực hiện dễ dàng với các dây NiTi đàn hồi.
- Toàn bộ cung răng có thể được kiểm soát với chỉ một dây cung.
Nhược điểm
- Ma sát là một hiện tượng đa nguyên nhân khiến cho không thể dự đoán trước được cơ học. Bất kỳ tác động qua lại nào giữa dây cung, mắc cài, và dây buộc đều gây ma sát; do vậy mất neo chặn xuất hiện nhiều hơn với cơ học ma sát.
- Mặt phẳng khớp cắn nghiêng và tương quan lồng khớp có thể cần được kiểm soát bằng các chun liên hàm, mini vít hoặc headgear.
- Di xa răng nanh dọc theo các dây cung đàn hồi hoặc sử dụng các lực quá mức có thể gây trồi các răng cửa, dẫn tới kết quả là cắn sâu phía trước.
- Kéo lùi khối răng khó khi không có headgear, khí cụ đòi hỏi sự hợp tác đáng kể của bệnh nhân.
Hệ thống không ma sát
Trong cơ học không ma sát, các răng được di chuyển thành nhóm hoặc đơn lẻ bằng các loop. Việc này cho phép các nhà lâm sàng tránh được ma sát giữa các mắc cài và dây cung, điều làm chậm hoặc trì hoãn các di chuyển răng trong phạm vi rộng. Thêm vào đó, việc kiểm soát độ lớn của các lực và mô men làm cho việc kiểm soát các tác động cơ học bất lợi trở nên khả thi mà với các dây thẳng có thể là không tránh được.
Ưu điểm
- Làm tăng tỉ lệ mô men-lực một cách hiệu quả bằng việc sử dụng loop. Điều này cho phép kiểm soát torque của các răng phía trước trong quá trình đóng khoảng.
- Kéo dài khoảng cách giữa các điểm đặt lực, do vậy làm giảm tỉ lệ tải/thoái lực của dây cung và làm tăng phạm vi hoạt động của nó.
- Mang tới các cơ học có thể dự đoán trước vì có thể đo lường được độ lớn của các lực và mô men.
- Một số cơ học chọn lọc như đánh lún răng cửa và dựng thẳng răng hàm được thực hiện dễ dàng.
Nhược điểm
- Việc bẻ loop mất nhiều thời gian trên ghế răng.
- Loop có thể sẽ không thoải mái cho bệnh nhân và gây ra những vấn đề về vệ sinh răng miệng.
- Kiểm soát theo chiều ngang các răng nanh trong quá trình di xa kém hơn so với cơ học trượt.
Điều trị chỉnh nha đòi hỏi phải kiểm soát sự di chuyển răng thông qua kiểm soát lực và cần phải kiên nhẫn. Bất kỳ hệ thống nào được lựa chọn cũng sẽ có một số tác động cơ học bất lợi không dự đoán trước được trong quá trình điều trị. Tuy vậy, ta vẫn có thể đạt được mục đích điều trị nếu sử dụng các quy tắc cơ sinh học một cách chính xác.