Khớp cắn sâu có thể được điều trị bằng cách làm trồi răng sau hoặc đánh lún răng trước.
Khi nào nên đánh lún răng?
Làm trồi răng sau được chỉ định khi kích thước dọc tầng mặt dưới ngắn, đủ chiều cao môi trên, góc mặt phẳng hàm dưới thấp, sai khớp cắn loại II tiêu loại 2 trên bệnh nhân đang tăng trưởng. Việc điều trị khớp cắn sâu bằng cách làm trồi răng hàm đối với bệnh nhân trưởng thành thường dẫn đến đóng góc mặt phẳng hàm dưới vừa được mở ra và tái phát cắn sâu.
Ngược lại, đánh lún răng trước được chỉ định trong các trường hợp khớp cắn sâu, mức độ bộc lộ răng cửa trên quá lớn và/hoặc cười hở lợi, đường cười cao, khe hở giữa hai môi quá lớn, môi trên ngắn, kích thước dọc tầng mặt dưới cao, góc mặt phẳng hàm dưới quá dốc, hoặc các răng cửa cần được kéo lùi với khoảng cách lớn (bởi vì, sau khi nhổ răng hàm nhỏ thứ nhất và kéo lùi nhóm răng trước, các răng cửa trên sẽ trồi và ngả lưỡi gây khớp cắn sâu).
Khi làm trồi răng hàm, xương hàm dưới sẽ xoay cùng chiều kim đồng hồ xuống dưới và ra sau, làm cho cả điểm B và điểm pogonion dịch chuyển về phía sau, thầm mỹ trở nên tồi hơn trên các bệnh nhân lùi hàm dưới, tương quan loại II theo chiều trước sau càng tăng nặng hơn.
Đánh lún răng bằng minivis
Minivis cũng có thể neo chặn hiệu quả khi chỉ thực hiện đánh lún ở nhóm răng trước. Việc đánh lún răng trước là dễ dàng hơn nhiều so với đánh lún răng sau và có thể thực hiện được bằng chỉnh nha thông thường, sử dụng dây cung đảo ngược (reverse), dây cung đánh lún phụ (cung tiện ích) hoặc dây cung đánh lún ba phân đoạn.
Tuy nhiên, đồng thời với sự lún của các răng trước, các răng sau sẽ bị trôi và nghiêng xa do phản lực (tất nhiên, tác dụng làm trồi răng sau sẽ thuận lợi trên các bệnh nhân có kiểu mặt ngắn, góc hàm đóng).
Ngoài ra, còn có một số nhược điểm như làm răng cửa nghiêng ra trước, khó kiểm soát đường cong Spee, nhất là khi sử dụng dây cung đảo ngược. Với neo chặn bằng minivis, cơ chế đánh lún các răng trước sẽ được đơn giản hóa và hiệu quả đánh lún sẽ cao hơn, không gây ra những tác động bất lợi lên các răng sau. Các răng cửa có thể được đánh lún với quãng đường lớn mà không làm trồi răng hàm. Trên bệnh nhân lương quan xương loại II, lùi hàm dưới, răng hàm lớn chỉ cần trồi một ít cũng làm xương hàm dưới xoay cùng chiều kim đồng hồ, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Thiết kế khí cụ
Cắm minivis ở chân răng cửa và răng nanh
Để đánh lún các răng trước hàm trên, minivis thường được cắm ở giữa các chân răng cửa và răng nanh. Có thể cắm duy nhất một minivis ở giữa hai chân răng cửa giữa, khi đó nên cắm càng gần gai mũi trước càng tốt.
Trong kiểu thiết kế này, vì chỉ có một lực duy nhất tác dụng vào chính giữa cung răng nên có thể gây ra đường cười đảo ngược. Để tránh hiện tượng này, nên cắm hai minivis ở hai bên, giữa chân răng cửa bên và chân răng nanh.
Khoảng liên chân răng tăng lên về phía chóp; do đó, cắm minivis càng về phía chóp thì sẽ càng giảm nguy cơ chạm vào chân răng. Ngoài ra, khi các răng trước lún xuống, khoảng cách giữa dây cung chính và minivis sẽ giảm và các chân răng sẽ tiến gần hơn tới minivis, việc cắm minivis về phía chóp sẽ tạo ra khoảng đánh lún lớn hơn.
Cắm minivis ở niêm mạc di động
Nếu cắm minivis ở niêm mạc di động, nên dùng phương pháp kéo kín (vùi minivis xuống dưới niêm mạc), phương pháp này thường được áp dụng khi cắm một minivis ở giữa chân hai răng cửa giữa. Nếu cắm minivis ở giữa chân răng cửa bên và chân răng nanh thì minivis thường được cắm ở ranh giới lợi dính-niêm mạc di động, do đó có thế dùng phương pháp kéo hở.
Để tránh chun chuỗi hoặc lò xo NiTi đè vào lợi, có thể bẻ dây cung phân đoạn hình hộp để làm thanh hướng dẫn. Tuy nhiên, thanh hướng dẫn này sẽ làm vec-tơ lực kéo cách xa tâm cản của răng cửa về phía môi, do đó làm răng cửa nghiêng ra trước nhiều hơn trong quá trình đánh lún.
Đánh lún nhóm răng trước hàm dưới được chỉ định khi các răng cửa dưới trồi nhiều làm đường cong Spee của cung răng dưới quá sâu. Khi cắm minivis để đánh lún các răng trước hàm dưới, khoảng liên chân răng giữa các răng cửa dưới khá hẹp. Nên dùng minivis có đường kính nhỏ và cắm về phía chóp tránh chạm chân răng.