Những Tiêu Chuẩn Trong Chỉnh Nha Mà Bạn Cần Biết

Tiêu chuẩn Andrews của chỉnh nha mắc cài

Andrews là cha đẻ của kỹ thuật dây thẳng trong chỉnh nha mắc cài. Được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Nghiên cứu trên 120 mẫu hàm các trường hợp chưa trải qua điều trị chỉnh nha có khớp cắn đúng, răng mọc đều đặn và thẩm mỹ, ông đã rút ra những đặc điểm quan trọng và xem những đặc điểm này là tiêu chuẩn trong điều trị chỉnh nha. Sau khi so sánh các tiêu chuẩn này với trên 1000 ca điều trị chỉnh nha hoàn hảo. Các tiêu chuẩn này đã trở thành mục tiêu trong điều trị chỉnh nha và được gọi là 6 tiêu chuẩn Andrews.

Tiêu chuẩn 1: Tương quan răng cối

Múi ngoài gần răng 6 trên tiếp khớp với rãnh ngoài gần răng 6 dưới.

Múi ngoài xa tiếp khớp với vùng tiếp cận giữa răng 6 và răng 7 dưới trong đó gờ bên xa răng 6 trên khớp với gờ bên gần răng 7 dưới. Tương quan này gọi là tương quan  múi – khoảng tiếp cận.

Múi trong gần răng 6 trên khớp với trũng giữa răng 6 dưới. Tương quan này gọi là tương quan múi – trũng.

Tóm lại, tương quan tiếp khớp bên ngoài là tương quan múi – khoảng tiếp cận, tương quan tiếp khớp bên trong là tương quan múi – trũng.

Đây là tiêu chuẩn then chốt nhất trong 6 tiêu chuẩn Andrews. So với khớp cắn hạng I Angle, tiêu chuẩn 1 Andrews nghiêm ngặt hơn. Tiêu chuẩn 1 Andrews đòi hỏi sự lồng múi theo cả 2 phương diện trước sau và ngoài trong, đảm bảo được đường cong Wilson.

XEM THÊM:  Sai khớp cắn hạng II tiểu loại I - Ca lâm sàng 1

Tiêu chuẩn 2: Tiêu chuẩn về độ nghiêng gần xa của răng

Các răng đều nghiêng theo hướng gần xa (thân răng phía gần và chân răng phía xa). Mỗi răng đều có độ nghiêng gần xa khác nhau. Độ nghiêng gần xa của răng là góc tạo bởi trục thân răng với đường vuông góc mặt phẳng nhai. Góc có độ (+) khi chân răng nghiêng về phía xa. Như vậy, tất cả các răng đều có góc (+). Trên cơ sở này, Andrews đã thiết kế độ nghiêng gần xa tích hợp vào mắc cài, giúp giảm thiểu thao tác bẻ dây so với mắc cài Edgewise.

Tiêu chuẩn 3: Tiêu chuẩn về độ nghiêng ngoài trong của răng

Độ nghiêng ngoài trong của răng là góc tạo bởi đường tiếp tuyến với điểm giữa mặt ngoài răng với đường vuông góc mặt phẳng nhai. Góc này (+) khi chân răng nghiêng về phía trong và ngược lại là (-).

Các răng cửa đều có góc (+). Ở hàm trên, răng nanh có thể có góc (+), 0 hay (-). Răng cối nhỏ có góc độ bằng 0 hoặc (-). Các răng cối lớn đều có góc (-). Ở hàm dưới, góc độ (-) tăng dần từ răng nanh đến răng cối lớn thứ hai.

Độ nghiêng ngoài trong vùng răng cửa ảnh hưởng rất lớn đến độ cắn phủ và cắn chìa.

Căn cứ trên tiêu chuẩn này, Andrews thiết kế độ nghiêng ngoài trong tích hợp vào mắc cài, cùng với độ nghiêng gần xa, tạo nên bước đột phá trong lịch sử chỉnh nha, đó là kỹ thuật chỉnh nha dây thẳng.

XEM THÊM:  Hướng Dẫn Mua Hàng - viethungdent.vn

Việc bẻ dây nhằm đạt độ nghiêng ngoài trong là rất khó kiểm soát trên lâm sàng, đã giảm thiểu đáng kể trong chỉnh nha từ khi kỹ thuật dây thẳng của Andrews ra đời.

Tiêu chuẩn 4: Độ xoay các răng

Tất cả các răng đều không có tình trạng xoay. Với các răng cửa, đường nối điểm giữa bờ cắn và cingulum vuông góc với đường cong cung răng. Với các răng cối nhỏ và răng cối lớn, đường trũng giữa các răng song song với đường cong cung răng.

Với kỹ thuật dây thẳng, để đạt được độ nghiêng ở các răng cối, trong đế ống hay mắc cài có thiết kế độ offset phù hợp để đảm bảo các răng không bị xoay do quá trình điều trị.

Tiêu chuẩn 5: Độ hở kẽ

Giữa tất cả các răng đều không được kẽ hở. Tiêu chuẩn về độ hở kẽ đòi hỏi phải duy trì tình trạng tiếp xúc bên giữa các răng sau khi kết thúc điều trị. Trong nhiều trường hợp, không thể đóng khoảng được với nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, ở vùng răng trước đây là tiêu chuẩn bắt buộc phải đạt được. Những trường hợp không thể đạt được do bất thường hình dạng răng cửa, có thể phải phục hồi bằng giải pháp phục hình.

Tiêu chuẩn 6: Đường cong Spee

Đường cong Spee lý tưởng theo Andrews là phẳng hoặc gần phẳng. Cách đánh giá đường cong Spee là đặt thước hoặc cây đè lưỡi trên mặt nhai từ sau ra trước, giữa răng cối và răng cửa. Sau đó đo khoảng cách giữa răng thấp nhất và thước để ghi nhận độ sâu của đường cong Spee. Đường cong Spee được tính 2 bên riêng rẽ.

XEM THÊM:  Nhổ răng chỉnh nha có nguy hiểm không?

Đường cong Spee phẳng thường gặp trong khớp cắn hạng III, trong khi đường cong Spee sâu thường gặp ở khớp cắn hạng II. Đường cong Spee sâu là chỉ báo những trường hợp cường cơ và rất khó điều trị do răng rất khó di chuyển và mắc cài rất dễ bung hoặc vỡ. Do vậy, trên bệnh nhân có đường cong Spee sâu nên hạn chế tối đa gắn mắc cài sứ ở răng cửa dưới.

Cân bằng đường cong Spee là một trong những mục tiêu điều trị chỉnh nha. Cân bằng đường cong Spee có thể thực hiện bằng cách đánh lún răng cửa hoặc trồi răng cối hoặc cả 2.

Trên thực tế, giải pháp trồi răng cối thường được lựa chọn ở trẻ em và giải pháp đánh lún răng cửa thường sử dụng ở người trưởng thành.

Một ca chỉnh nha được coi là thành công hay không cần phải được dựa trên đánh giá của những tiêu chuẩn nhất định. 6 tiêu chuẩn Andrews trên đây được coi là mục tiêu, kim chỉ nam điều trị của những ca chỉnh nha lâm sàng.

—————

VIỆT HÙNG GROUP

Nhà Cung Cấp Vật Liệu Chỉnh Nha, Dụng Cụ Chỉnh Nha & Trụ Implant Hàn Quốc chính hãng.

Website: https://viethungdent.vn

Hotline: 0901 447 969

Trụ sở: Số 3D Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP.HCM.

Chi nhánh: A10 KDC Barya City, P. Long Toàn, TP. Bà Rịa.

Google Reviews: