CẮMINIVIS – BIẾN CHỨNG TRONG VÀ SAU KHI CẮM

Việc cắm minivis có thể mang lại nhiều lợi ích trong điều trị chỉnh nha hoặc nha khoa. Tuy nhiên, như mọi quy trình y tế, có thể xuất hiện các biến chứng. Dưới đây là một số biến chứng có thể xảy ra sau khi cắm minivis trong ngữ cảnh của nha khoa:

Cắm minivis chỉnh nha mắc cài có thể gặp biến chứng
Cắm minivis chỉnh nha mắc cài

Tổn thương các cấu trúc giải phẫu

Minivis có thể xâm phạm các cấu trúc giải phẫu lân cận như chân răng, hốc mũi, xoang hàm hay mạch máu và thần kinh như bó mạch thần kinh răng dưới, cằm, khẩu cái lớn.

Tổn thương do tiếp xúc chân răng

Sự tiếp xúc giữa vis và chân răng thường được phát hiện bởi cảm giác tay của nha sĩ do chân răng có sức cản lớn hơn xương và cảm giác đau của bênh nhân khi cắm. Tuy nhiên, đau trong khi cắm không nhất thiết là minivis đã xuyên vào chân răng, do bệnh nhân cũng có thể cảm thấy đau nếu minivis nằm ở dây chằng quanh răng. Nên chụp phim cận chóp để xác định nguyên nhân gây đau. Nếu minivis phạm vào chân răng thì cần được tháo ra và cắm lại ở vị trí khác.

Việc vis xâm phạm vào dây chằng quanh răng hay thậm chí chân răng không phải lúc nào cũng gây ra vấn đề nghiêm trọng. Bề mặt chân răng bị tổn thương sẽ hồi phục sau 12 tuần nhờ sự hình thành cement có tế bào cùng với sự tái tạo dây chằng nha chu, với điều kiện không có viêm nhiễm. Chưa có báo cáo nào cho thấy, tình trạng dính khớp hoặc lung lay răng sau khi minivis xâm phạm vào chân răng. Tổn thương tới chân răng hầu như không ảnh hưởng đến tuổi thọ của răng chừng nào chưa có tổn thương tuỷ. Nói chung, tiếp xúc minivis-chân răng thường chỉ dẫn tới thất bại của minivis (lỏng và rụng minivis) chứ không ảnh hưởng đến răng.

Lưu ý

Nha sĩ cần phải luôn luôn cẩn thận, chú ý tới cảm giác tay. Cắm minivis ở vị trí càng về phía chóp thì sẽ càng giảm nguy cơ tổn thương chân răng do khoảng liên chân răng tăng về phía chóp. Cắm minivis theo chiều đứng khi thể tích xương cho phép căng là một cách để tránh tổn thương chân răng. Nha sĩ chưa có kinh nghiệm có thể chụp một phim cận chóp để kiểm tra khi khoảng một nửa chiều dài minivis đã được cắm vào trong xương.

XEM THÊM:  Hội Nghị Khoa Học Thường Niên Của Hội Nắn Chỉnh Răng Việt Nam

Hình ảnh trên X-quang tại chỗ là hình ảnh hai chiều và rất dễ bị thay đổi do tư thế phim cũng như hướng của tia chụp. Khi chụp X-quang tại chỗ cần chụp theo kỹ thuật song song.

Minivis chính hãng là giảm tối đa các nguyên cơ biến chứng khi cắm
Minivis chính hãng là giảm tối đa các nguyên cơ biến chứng khi cắm

Tổn thương vùng xương phía khẩu cái

Khi cắm vis ở vùng xương ổ răng phía khẩu cái, động mạch khẩu cái lớn hoặc các nhánh của nó có thể bị tổn thương, biểu hiện bằng chảy máu dữ dội tại vị trí cắm. Nếu việc này xảy ra, cần tháo minivis và tạo áp lực để làm ngừng chảy máu. Cắm lại minivis ở vị trí về phía mặt nhai nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện tượng này hiếm gặp và thường không phải là vấn đề nghiêm trọng.

Tổn thương vùng thần kinh mũi – khẩu cái

Một cấu trúc dễ bị tổn thương bởi minivis đó là thần kinh mũi-khẩu cái do nó nằm gần với vị trí cắm ở đường giữa khẩu cái phía trước. Để tránh biến chứng này, nên cắm minivis về phía xa so với đường nối giữa hai răng nanh trên khi minivis được cắm ở đường giữa khẩu cái phía trước.

Tổn thương vùng xoang hàm

Sử dụng minivis chiều dài lớn có thể gây thủng xoang hàm hoặc hốc mũi khi cắm ở nhiều vị trí khác nhau của xương hàm trên. Đã có báo cáo cho thấy thủng xoang hàm do cắm minivis chỉnh nha chỉ gây ra các biến chứng rất nhẹ, nhưng tốt nhất là vẫn nên tránh làm thủng.

Thiếu sự ổn định ban đầu

Minivis có thể bị lung lay ngay sau khi cắm. Việc này thường do không đủ chiều dày xương vỏ hoặc rung lắc minivis trong quá trình cắm, làm cho tiếp xúc xương-minivis yếu đi. Khi đó, cần cắm một minivis với đường kính lớn hơn (1,6-1,8 mm) ở cùng vị trí. Nếu vis vẫn lỏng thì phải lựa chọn một vị trí khác để cắm.

XEM THÊM:  Việt Hùng Group - Nhà tài trợ sản phẩm trong chương trình của Câu Lạc Bộ Saigon Orthodontic Study Club tổ chức

Sức cản quá cao

Khi minivis được cắm ở vùng xương đặc bất thường, có thể sẽ không thể vặn quá một nửa chiều dài vis do sức cản của xương. Đường giữa khẩu cái, xương ổ răng hàm dưới và tam giác sau hàm là các vị trí hay gặp xương đặc.

Nếu cảm thấy chiều dài đã cắm vào xương đủ để lưu giữ vis thì không nên vặn hết chiều dài vis vào xương nhằm tránh gãy vis. Khi đó, cần sử dụng mũi khoan kim cương với tay khoan nhanh để mài thấp phần minivis nhô cao, bao gồm cả phần chỏm. Có thể đắp một chỏm composite hình cầu lên vis để tạo điều kiện mắc chun chuỗi dễ dàng.

Về sau, nên dùng kềm kẹp kim hoặc kìm bẻ móc để tháo minivis do không còn chỏm để tuốc – nơ – vít bắt vào nữa.

Gãy minivis

Đầu mút của minivis có thể bị gãy nếu minivis được cắm với mômen xoắn quá lớn để vượt qua xương vỏ đặc bất thường tại thời điểm bắt đầu cắm, hoặc minivis chạm vào chân răng, hoặc góc cắm bị thay đổi khi minivis đã được cắm một phần vào xương vỏ. Nếu cố gắng vặn vis tiến sâu thêm sau khi đã cắm được một phần ở vùng xương có sức cản lớn, phần giữa vis có thể bị gãy, nhất là với minivis có đường kính nhỏ hoặc thiết kế dạng hình trụ. Đoạn gãy có thể để yên trong xương nếu tiên lượng thủ thuật lấy đoạn gãy quá xâm lấn và không gây ra tình trạng bệnh lý nào. Cần lựa chọn một vị trí khác để cắm.

May mắn là hiện tượng này hiếm khi xảy ra. Ở vùng xương rất đặc, nên khoan môi bằng mũi khoan tròn nhỏ hoặc có rãnh để tạo một lỗ sâu 1-2 mm trước khi cắm nhằm giảm thiểu nguy cơ gãy vis.

Chỉ định lấy mảnh gãy minivis nếu phần gãy nằm tương đối nông, khi đó cần tạo một vạt niêm mạc màng xương nhỏ, khoan một rãnh hẹp xung quanh minivis và dùng kềm weigart hoặc các loại kềm mỏ nhọn và nhỏ khác vặn ngược đoạn gãy ra ngoài.

XEM THÊM:  Kỹ thuật chụp ảnh trong chỉnh nha

Để an toàn, lực xoắn khi cắm minivis nên nằm trong khoảng 6-7 N.

Chệch hướng cắm

Khi cắm minivis ở đường giữa khẩu cái bằng tay khoan ở bệnh nhân đã gắn cung ngang khẩu cái (TPA), tay khoan có thể vướng vào TPA. Do đó, hướng cắm bị thay đổi. Việc này có thể dẫn đến rung lắc hay thậm chí gãy minivis. Trong các tình huống như vậy, nên cắm minivis trước khi làm TPA và sau đó lấy dấu để bẻ TPA.

Nếu phải cắm sau khi đã gắn TPA thì loop chữ U của TPA phải được bẻ đủ lớn, hoặc sử dụng mũi kết nối dài cùng với tay khoan.

Các biến chứng mô mềm

Khi cắm minivis vào vùng niêm mạc di động hoặc ranh giới giữa lợi dính và niêm mạc di động, phần mô mềm lỏng lẻo có xu hướng quấn quanh các vòng ren của minivis trong quá trình cắm ảnh hưởng đến sự lưu giữ của vis. Một đường rạch ngắn bằng mũi dao trước khi cắm sẽ tránh được hiện tượng này.

Ở vùng tam giác sau hàm, luôn luôn phải rạch hoàn toàn niêm mạc đến xương do mô mềm ở vùng này rất dày. Nếu rạch không đủ sâu, mô mềm sẽ có xu hướng quấn quanh minivis trong quá trình cắm. Tốt hơn là chuyển bệnh nhân đến bác sĩ phẫu thuật trong miệng khi dự định cắmở tam giác sau hàm.

Sự khó chịu của bệnh nhân

Ngoài cảm giác đau lúc đâm kim để gây tê tại chỗ trước khi cắm minivis thì các khó chịu khác là không đáng kể. Nên gây tê bề mặt trước khi tiêm tê tại chỗ. Cảm giác đau là rất nhẹ trong và sau khi cắm minivis. Bệnh nhân có thế uống thuốc giảm đau không kê đơn nếu cảm thấy đau sau khi thuốc tê hết tác dụng.


VIỆT HÙNG GROUP

Nhà Cung Cấp Vật Liệu Chỉnh Nha, Dụng Cụ Chỉnh Nha & Trụ Implant Hàn Quốc chính hãng.

Website: https://viethungdent.vn

Hotline: 035 766 7779

Trụ sở: Số 3D Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP.HCM.

Chi nhánh: A10 KDC Barya City, P. Long Toàn, TP. Bà Rịa.

Google Reviews: Google.com/reviews

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *