Viêm chân răng có mủ là dấu hiệu của tình trạng nhiễm trùng tại chỗ hoặc lan tỏa trong miệng. Viêm chân răng có mủ thường cảnh báo sức khỏe răng miệng của bạn đang gặp phải vấn đề rất nghiêm trọng và có thể gây nên những biến chứng khó lường nếu không được điều trị kịp thời.
1. Viêm chân răng có mủ là bệnh gì?
Răng gồm có: lớp ngoài cùng là men răng, lớp giữa là ngà răng và một hốc rỗng ở giữa răng chứa các tổ chức mềm gồm mạch máu, thần kinh và mô liên kết gọi là tủy răng. Mạch máu và thần kinh đi vào trong răng qua 1 lỗ ở đỉnh của chân răng. Vùng đó gọi là cuống răng.
Chân răng là phần bạn không nhìn thấy được ở trong miệng, vì chân răng nằm ở trong một hốc xương gọi là xương ổ răng và phần ngoài cùng che phủ xương ổ răng là lợi hay còn gọi là nướu răng.
Viêm chân răng có mủ là tình trạng tủy răng hay nướu răng (lợi) bị vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng tạo nên ổ abscess ở vùng cuống răng, xung quanh chân răng hay ở vùng lợi. Nếu không được điều trị kịp thời, chân răng bị viêm có mủ sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe răng miệng, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe toàn thân thậm chí đe dọa đến tính mạng.
2. Nguyên nhân gây nên viêm chân răng có mủ
Có 2 nguyên nhân chính gây nên viêm chân răng có mủ, gồm:
2.1 Bệnh viêm quanh răng (viêm nha chu):
Vệ sinh răng miệng không tốt, thức ăn đọng lại ở các kẽ răng, nằm sâu ở dưới lợi mà không được lấy hết đi, không thường xuyên đi lấy cao răng (cạo vôi răng), vật nhọn đâm vào lợi như xỉa răng bằng tăm,… là những nguyên nhân gây nên bệnh viêm lợi (viêm nướu). Khi lợi bị viêm, bạn sẽ thấy miệng hôi, lợi dễ chảy máu khi đánh răng hoặc lợi chảy máu tự nhiên, lợi sưng nề, đỏ, phì đại che một phần thân răng.
Nếu viêm lợi không được chữa trị ngay, lợi chảy máu nhiều, thức ăn giắt kẽ răng lâu ngày sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây nhiễm trùng ở lợi. Lúc này làm chân răng có mủ, abscess lợi, xương bọc xung quanh chân răng bị tiêu, lợi tụt xuống làm răng lung lay. Trường hợp này bệnh chuyển từ viêm lợi thành bệnh viêm quanh răng.
Nếu bệnh viêm quanh răng không được can thiệp sớm và có kế hoạch điều trị thường xuyên sẽ dẫn đến mất răng hàng loạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng và toàn thân.
2.2 Bệnh của tủy răng
Răng bạn có thể bị sâu, do chấn thương hay do nhiễm trùng quanh răng lâu ngày lan xuống tận vùng cuống răng làm phần tủy bên trong bị ảnh hưởng. Vi khuẩn từ lỗ sâu đi sâu xuống tủy răng, lỗ sâu to làm cho tủy răng tiếp xúc trực tiếp với môi trường miệng, vi khuẩn xâm nhập từ ngoài vào theo dọc chân răng hay chấn thương làm tủy bị sang chấn, lâu dần tủy răng bị nhiễm trùng và chết.
Nếu tình trạng viêm tủy răng diễn ra lâu ngày, nhiễm trùng lan sâu xuống vùng cuống răng sẽ dẫn đến abscess ở chân răng và cuống răng. Đây là giai đoạn bệnh đã khá nặng.
Nếu nhiễm trùng ở cuống răng không được điều trị, lâu ngày ổ viêm nhiễm sẽ lan rộng lên toàn bộ chân răng, sang các chân răng khác. Cuối cùng lan lên phần lợi bao bọc xung quanh răng, tạo ổ mất xương trong xương hàm, răng lung lay và phải nhổ bỏ.
Nguy hiểm nhất là vi khuẩn tại túi mủ này sẽ di chuyển vào máu, gây nhiễm trùng huyết có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
2.3 Các nguyên nhân khác gây viêm chân răng có mủ
Một số trường hợp như răng mọc lệch, răng bị chấn thương khớp cắn, dùng thuốc, do nội tiết, tiểu đường, sức đề kháng của cơ thể kém… cũng có thể gây viêm chân răng có mủ.
3. Các dấu hiệu nhận biết tình trạng viêm chân răng có mủ
Dấu hiệu thường gặp của bệnh viêm chân răng có mủ là cảm giác đau răng. Đau như bị ưng mủ, đau lan ra khắp hàm, đến cả tai và cổ. Đau tăng lên khi bạn ăn nhai hay không thể nhai sang bên răng bị đau.
Lợi ở chân răng sưng to, ấn mềm, đỏ, đau khi ấn vào. Mặt phía bên có răng bị đau sưng to, da vùng mặt bị sưng đỏ, nóng. Răng đau lung lay, có cảm giác răng đau bị trồi lên răng đổi màu.
Lúc này cũng có hạch ở dưới hàm, ở cổ. Đau khi ấn vào hạch, sốt, miệng hôi. Khi khối mủ tự vỡ ra, bạn sẽ thấy đỡ đau hơn. Có nốt nổi lên ở lợi vùng chân răng, mủ có thể chảy ra khi ấn vào. Bạn không thấy đau, vì mủ ở chân răng được thoát ra bởi một đường hầm đi từ ổ mủ vùng cuống răng ra lợi.
Lợi sưng to, phì đại, ấn mềm, đỏ, đau khi ấn vào dễ chảy máu, đôi khi có mủ ở bờ lợi viền xung quanh răng.
4. Điều trị viêm chân răng có mủ như thế nào để hiệu quả?
Cách tốt nhất để điều trị triệt để viêm chân răng có mủ là đến gặp nha sĩ càng sớm càng tốt. Khi đó, nha sĩ sẽ thăm khám kỹ lưỡng đưa ra những chẩn đoán chính xác và có cách điều trị cụ thể đối với từng loại bệnh khác nhau.
Nguyên tắc điều trị các bệnh viêm chân răng có mủ là:
- Cô lập ổ nhiễm trùng bằng thuốc kháng sinh.
- Làm mất đi hoặc giảm các dấu hiệu gây khó chịu cho bạn như giảm đau, giảm sốt, giảm sưng nề…
- Loại bỏ ổ viêm nhiễm: nha sĩ sẽ làm các thủ thuật để loại bỏ ổ viêm nhiễm khi tình trạng nhiễm trùng đã ổn định và an toàn để làm các thủ thuật.
Các thủ thuật để loại bỏ ổ viêm nhiễm gồm:
- Dẫn lưu khối mủ (chích rạch ổ abscess): nha sĩ sẽ thực hiện một vết cắt nhỏ tại vị trí khối sưng có mủ để dẫn lưu mủ.
- Lấy dị vật nếu có như xương, tăm tre… mắc ở lợi.
- Điều trị bệnh viêm quanh răng: lấy cao răng, nạo sạch các chất bám bẩn xung quanh chân răng và ở dưới lợi…
- Chữa tủy răng: nha sĩ sẽ lấy hết tủy răng, phần rỗng chứa tủy ở giữa răng được làm sạch kỹ lưỡng và được hàn kín lại trước khi răng được hàn lại và được bọc răng sứ.
- Cắt cuống răng: nha sĩ sẽ làm một thủ thuật nhỏ để loại bỏ ổ nhiễm trùng ở phần cuống răng.
- Nhổ răng: răng phải nhổ bỏ khi tình trạng viêm quá nghiêm trọng, răng bị hỏng nặng không thể giữ được. Lúc đó, nha sĩ sẽ nhổ răng và nạo vét hết vùng viêm nhiễm ở sâu trong xương. Việc làm răng giả sẽ được tiến hành khi lành thương sau nhổ răng diễn ra tốt.
- Đôi khi tình trạng viêm nhiễm quá nghiêm trọng, ổ nhiễm trùng tạo thành nang to trong xương, lan sang các răng khác gây tổn thương lan rộng. Việc điều trị không chỉ còn bó hẹp ở răng nguyên nhân mà còn đòi hỏi điều trị tận gốc, loại bỏ hết nang, chữa hoặc phải nhổ bỏ các răng liên quan. Khi đó, việc chữa trị sẽ phức tạp hơn rất nhiều, đôi khi không thể khắc phục được.
- Loại bỏ nguyên nhân gây bệnh như như mài chỉnh khớp cắn, nắn chỉnh răng, điều chỉnh hoặc thay thuốc dùng toàn thân, kiểm soát đường huyết tốt…
Việc theo dõi sau điều trị cũng rất quan trọng, bạn nên tuân thủ theo lời dặn của nha sĩ để tránh tái phát.
5. Phòng tránh viêm chân răng có mủ như thế nào?
Bạn nên chăm sóc răng miệng hàng ngày thật tốt bằng cách chải răng đúng cách ít nhất 02 lần/ngày, sử dụng chỉ tơ nha khoa thay tăm xỉa răng để loại bỏ những mảnh vụn thức ăn tồn đọng ở kẽ răng, dùng nước suối súc miệng sau mỗi khi ăn để giúp miệng sạch sẽ.
Có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho răng. Hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường hoặc tính axit cao. Nên bổ sung thêm canxi, vitamin… cho răng từ các loại thực phẩm thiên nhiên như trứng, đậu, sữa, nấm… Tránh xa các loại đồ ăn quá nóng, quá lạnh hoặc quá cay, vì nó rất dễ làm tổn thương răng.
Bạn nên đi khám và lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần. Răng sẽ được kiểm tra và có hướng điều trị kịp thời nếu phát hiện có bệnh lý tại răng. Khi nhận thấy chân răng có mủ, nên kịp thời đến nha khoa để được nha sĩ xử lý một cách triệt để và hiệu quả nhất.
—————
Nhà Cung Cấp Vật Liệu Chỉnh Nha, Dụng Cụ Chỉnh Nha & Trụ Implant Hàn Quốc chính hãng.
Website: https://viethungdent.vn
Hotline: 0901 447 969
Trụ sở: Số 3D Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP.HCM.
Chi nhánh: A10 KDC Barya City, P. Long Toàn, TP. Bà Rịa.
Google Reviews: