TÁC ĐỘNG CỦA HÌNH DẠNG LOOP LÊN TỈ LỆ M/F
Hiểu được khái niệm về tỉ lệ M/F là điều sống còn với các nhà lâm sàng trong việc kiểm soát di chuyển răng, quyết định kiểu di chuyển hay vị trí của tâm xoay.
Tỉ lệ M/F của các răng mất nâng đỡ xương ổ
Tâm cản của răng phụ thuộc vào chiều dài, số lượng và hình thái của các chân răng và mức nâng đỡ của xương ổ răng. Ở trường hợp tiêu chân răng, chân răng ngắn lại, làm cho tâm cản di chuyển về phía mặt nhai nhưng ở trường hợp mất nâng đỡ xương ổ, tâm cản sẽ di chuyển về phía chóp răng.
Điều này đặc biệt quan trọng trong điều trị cho những bệnh nhân có nhiều vấn đề về nha chu như bệnh nhân người lớn. Do khoảng cách (d) giữa mắc cài và tâm cản tăng lên, tỉ lệ M/F cũng tăng lên.
Cách tăng
Để có được tỉ lệ M/F cao hơn, có thể xem xét hai lựa chọn sau:
- Đặt mắc cài về phía lợi. Nếu thực hiện cách này, đế mắc cài có thể sẽ không phù hợp với bề mặt răng nữa. Hơn thế nữa, khi lắp dây thẳng để dàn đều răng sẽ khó khăn hơn, có thể phải bẻ bước lên (step-up) thích ứng trên dây cung, nhưng cách này có thể sẽ khiến làm thẳng răng không chuẩn xác nữa.
- Tăng mô men, giảm lực, hoặc kết hợp cả hai cách. Trên lâm sàng, mô men được đặt lên mắc cài chỉ có thể dự đoán được khi sử dụng dây cung phân đoạn. Mô men sinh ra bởi đoạn dây bẻ chống nghiêng (antitip) hay torque không thể đo đạc chính xác được. Do vậy sẽ khó để điều chỉnh chính xác tỉ lệ M/F bằng cách thay đổi mô men. Điều chỉnh mức lực tác động theo kiểu di chuyển nhận được dường như sẽ thực tế hơn.
Trên lâm sàng, xác định vị trí của tâm cản và giá trị chính xác của tỉ lệ M/F để tác dụng lực và giữ cho nó ổn định trong khi đi chuyển răng tương đối khó. Cùng hiểu và thực hiện đúng để có phương hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Tác động của hình dạng loop lên tỷ lệ M/F
Mục đích của việc sử dụng loop là để làm giảm tỷ lệ độ tải/ thoái lực của dây cung (để tăng tính đàn hồi); do vậy lực tác động sẽ có phạm vi rộng hơn trong các giới hạn về sinh học. Do có đặc tính đàn hồi, loop thường được sử dụng để đóng khoảng với cơ học chênh lệch (differential mechanics). Trong quá trình đóng khoảng, thực hiện được di chuyển răng có kiểm soát ở cả khối răng trước và sau là rất quan trọng.
Nghiêng không kiểm soát (uncontrolled tipping) không được mong đợi bởi tác dụng phụ như mất neo chặn và tiêu chân răng có thể xuất hiện khi dựng thẳng răng lại. Ví dụ, với khí cụ Begg, khoảng nhổ răng thường được đóng lại trong thời gian tương đối ngắn bằng cách nghiêng không kiểm soát các răng trước, sử dụng kết hợp các dây tròn và chun loại II. Tuy nhiên, dựng thẳng các răng cửa bị nghiêng quá mức sẽ lâu hơn và cần hỗ trợ neo chặn ở mức cao.
Hình dạng của loop có tác động đáng kể tới tỉ lệ M/F. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỉ lệ M/F sinh ra do loop dọc là khoảng 2:1. Tăng chiều dài của loop có thể làm tăng tỉ lệ M/F tới 4:1, nhưng cách tăng chiều dài của loop là không thực tế bởi nó sẽ gây ra viêm tấy và khó chịu cho bệnh nhân.
Ví dụ lâm sàng
Hình trên cho thấy những thay đổi ở tỉ lệ M/F của loop dọc cao 6 mm và có góc chống nghiêng (antitip) 20 độ. Lưu ý rằng tỉ lệ M/F được tạo ra bởi việc kích hoạt 1mm ít hơn 3:1, sinh ra nghiêng răng không kiểm soát.
Tỉ lệ M/F tăng lên khi loop khử kích hoạt (deactivation). Khi nó khử kích hoạt 0.1 mm, ti lệ M/F tiến gần 7:1, xấp xỉ nghiêng răng có kiểm soát. Tỉ lệ M/F tăng lên xấp xỉ 20:1 khi khử kích hoạt từ 0.1 còn 0 mm.
Kích hoạt loop 0.1 mm là đáng kể trên lâm sàng. Những lỗi nhỏ khi kích hoạt có thể thay đổi khá nhiều vị trí của tâm xoay.
Thực tế
Trên lâm sàng, với kích hoạt 1.0 mm, răng bị nghiêng không kiểm soát khi khử kích hoạt 0.7mm đầu tiên (tỉ lệ M/F 5:1). Tâm xoay trượt tới điểm giữa tâm cản và chóp răng. Sau đó, răng ở trạng thái nghiêng có kiểm soát từ 0.3 đến 0.12 mm. Tỉ lệ M/F trở thành 7:1 và tâm xoay di chuyển tới điểm giữa chóp và vô cực. Khi khử kích hoạt từ 0.12mm tới 0.03 mm, tỉ lệ M/F trở thành 10:1, tâm xoay biến mất (đi tới vô cực), và răng dịch chuyển tịnh tiến. Ở giai đoạn khử kích hoạt cuối cùng từ 0.03mm và 0mm, tỉ lệ M/F tăng tới 20:1, và tâm xoay di chuyển vệ phía mặt nhai tới điểm gần với thân răng. Ở trường hợp này, răng đã thực hiện di chuyển chân răng!
Phần lực sinh ra từ mỗi đơn vị kích hoạt loop dọc có thể tương đối cao. Ví dụ, lực sinh ra bởi Bull loop SS 0.018×0.025 inch cho lực xấp xỉ 500g. Một lực lớn như vậy sinh ra nghiêng răng không kiểm soát, và nó có thể gây tiêu chân răng. Nếu chúng ta chỉ cần duy nhất 100g lực thì việc kích hoạt loop sẽ chỉ là 0.2mm, sẽ không thực tế trên lâm sàng. Sau khi kích hoạt, các chân của loop dọc đóng lại rất nhanh, bước đầu sinh ra nghiêng răng không kiểm soát. Nếu để cho dây cung tự làm việc, răng sẽ dựng thăng một cách chậm chạp khi chân răng di chuyên. Khoảng thời gian dựng thẳng răng phụ thuộc vào mức độ nghiêng và tỉ lệ M/F. Răng càng nghiêng thì thời gian cần để dựng thẳng sẽ càng lâu.
Trường hợp loop khử kích hoạt
Về mặt lâm sàng, loop đóng khoảng tốt cần tạo ra tỉ lệ M/F đủ để sinh ra nghiêng răng có kiểm soát ở kích hoạt tối đa. Tỉ lệ M/F tăng dần khi loop khử kích hoạt và làm di chuyển chân răng. Cũng như được đề cập từ trước, việc tăng chiều dài hay thêm vào các vòng xoắn lên loop dọc làm giảm tỷ lệ tải/thoái lực nhưng có rất ít ảnh hưởng tới tỉ lệ này. Đặt thêm dây cung vào phần trên cùng của loop để làm tăng tỉ lệ M/F được khuyến cáo. Có hai lý do để phối hợp nhiều dây cung trong loop:
- Để tăng tỉ lệ M/F (nếu đặt về phía lợi).
- Để giảm tỷ lệ tải/thoái lực.
Thực tế
T loop được uốn từ dây B-titanium (hợp kim beta-titanium hoặc ß-Ti; cũng như là hợp kim titanium-molybdenum hoặc TMA) có thể sinh ra tỉ lệ M/F cao hơn ở kích hoạt lớn hơn so với loop dọc. Để làm được điêu này, T loop nên được “kích hoạt sẵn” trước khi gắn vào mắc cài. Việc bẻ kích hoạt sẵn (bẻ gấp khúc-gable bend) đôi khi có thể tới 180 độ theo hướng ngang, tùy theo yêu cầu neo chặn của môi trường hợp.
T loop TMA 0.017×0.025 inch kích hoạt săn 180 độ và được kích hoạt 7mm theo hướng ngang cho lực xấp xỉ 350g. T loop TMA 016×022 inch kích hoạt tương tự sinh ra 243g, trong khi T loop kết hợp TMA 0.017×0.025 inch và TMA 018 inch cho lực 333g. Để có được 150g nhằm di xa răng nanh, chỉ cần kích hoạt Tloop 0.016×0.022 inch- 4mm.
Hình trên cho thấy tỉ lệ M/F sinh ra bởi T loop TMA 0.016×0.022 inch. Tỉ lệ ở kích hoạt 7mm là 7:6:1, sinh ra nghiêng răng có kiểm soát. Lực trung bình sinh ra từ mỗi đơn vị kích hoạt (1mm) của T loop là 34.5g, khá thấp. Sai lệch 1 mm khi kích hoạt loop sẽ đặt thêm 34.5g lực lên tổ chức nha chu.
Tỉ lệ M/F tăng khi loop khử kích hoạt. Khi nó bị khử kích hoạt còn 2.7mm thì tỉ lệ M/F tiến gần 12:1, gần mức làm di chuyển chân răng. Tỉ lệ tăng tới xấp xỉ 27:1 khi khử kích hoạt từ 2.7 xuống còn 0.5mm.
Kết luận
Các định luật cơ học chi phối các lực và chuyển động trong phạm vi chỉnh nha liên quan tới những đặc tính của vật liệu (ví dụ, độ căng, sức nén, độ cứng, độ đàn hồi và giới hạn co giãn của các dây cung). Việc hiểu rõ các khái niệm như mô men, ngẫu lực, tâm cản ,tâm xoay, và tỉ lệ mô men – lực là rất quan trọng đê kiểm soát di chuyển răng.
Kiến thức cơ bản từ các định luật vật lý đứng sau chỉnh nha cho phép các nhà thực hành thiết kế các khí cụ và lên kế hoạch điều trị để có được kết quả tối ưu.