Minivis có thể xâm phạm các cấu trúc giải phẫu lân cận như chân răng, hốc mũi, xoang hay mạch máu và thần kinh như bó mạch và thần kinh răng dưới, cằm, khẩu cái lớn. Sự tiếp xúc giữa vis và chân răng thường được phát hiện bởi cảm giác tay của nha sĩ. Nên chụp phim cận chóp để xác định nguyên nhân gây đau, nếu minivis phạm vào chân răng thì cần được tháo ra và cắm lại ở vị trí khác.
Việc vis xâm phạm vào dây chằng quanh răng hay thậm chí chân răng không phải lúc nào cũng gây ra vấn đề quan trọng. Bề mặt chân răng bị tổn thương sẽ hồi phục sau 12 tuần nhờ sự hình thành cement có tế bào cùng với sự tái tạo dây chằng nha chu, với điều kiện không có viêm nhiễm. Tổn thương tới chân răng hầu như không ảnh hưởng đến tuổi thọ của răng chừng nào chưa có tổn thương tủy.
Tuy nhiên, nha sĩ vẫn cần phải luôn cẩn thận và chú ý tới cảm giác tay. Khi cắm vis ở vùng xương ổ răng phía khẩu cái, động mạch khẩu cái lớn hoặc các nhánh của nó có thể bị tổn thương, biểu hiện bằng chảy máu dữ dội tại vị trí cắm.
Một cấu trúc dễ bị tổn thương bởi minivis đó là thần kinh mũi khẩu cái do nó nằm gần với vị trí cắm minivis ở đường giữa khẩu cái phía trước.
Sử dụng minivis chiều dài lớn có thể gây thủng xoang hàm hoặc hốc mũi khi cắm ở nhiều vị trí khác nhau của xương hàm trên. Đã có báo cáo cho thấy thủng xoang hàm do cắm minivis chỉnh nha chỉ gây ra các biến chứng rất nhẹ, nhưng tốt nhất vẫn nên tránh làm thủng.
Thiếu sự ổn định ban đầu
Minivis có thể bị lung lay ngay sau khi cắm. Khi đó, cần cắm một minivis với đường kính lớn hơn (1.6 – 1.8 mm) ở cùng vị trí. Nếu vis vẫn lỏng thì phải lựa chọn một vị trí khác để cắm.
Sức cản quá cao
Khi minivis được cắm ở vùng xương đặc bất thường, có thể sẽ không thể vặn quá một nửa chiều dài vis do sức cản của xương. Nếu cảm thấy chiều dài đã cắm vào xương đủ để lưu giữ vis thì không nên vặn hết chiều dài vis vào xương nhằm tránh gãy vis. Có thể đắp một chỏm composite hình cầu lên vis để tạo thành điều kiện mắc chun chuỗi dễ dàng.
Gãy minivis
Đầu mút của minivis có thể bị gãy nếu minivis được cắm với mô men xoắn quá lớn để vượt qua xương vỏ đặc bất thường tại thời điểm bắt đầu cắm, hoặc minivis chạm vào chân răng, hoặc góc cắm bị thay đổi khi minivis đã được cắm một phần vào xương vỏ. Ở vùng xuong rất đặc, nên khoan mồi bằng mũi khoan tròn nhỏ hoặc có rảnh để tạo một lỗ sâu 1 – 2mm trước khi cắm minivis nhằm giảm thiểu nguy cơ gãy vis.
Chỉ định lấy mảnh gãy minivis nếu phần gãy nằm tương đối nông, khi đó cần tạo một vạt niêm mạc màng xương nhỏ, khoan một rãnh hẹp xung quanh minivis và dùng kìm weingart hoặc các kim loại mỏ nhọn và nhỏ khác vặn ngược đoạn gãy ra ngoài.
Chệch hướng cắm minivis
Khi cắm minivis ở đường giữa khẩu cái bằng tay khoan ở bệnh nhân đã gắn cung ngang khẩu cái (TPA), tay khoan có thể hướng vào (TPA). Do đó, hướng cắm minivis bị thay đổi. Việc này có thể dẫn đến rung lắc hay thậm chí gãy minivis.
Các biến chứng mô mềm
Khi cắm minivis vào vùng niêm mạc di động hoặc ranh giới giữa lợi dính và niêm mạc di động, phần mô mềm lỏng lẻo có xu hướng quấn quanh các vòng ren của minivis trong quá trình cắm ảnh hưởng đến sự lưu giữ của vis.
Sự khó chịu của bệnh nhân
Ngoài cảm giác đau lúc đâm kim để gây tê tại chỗ trước khi cắm minivis thì các khó chịu khác là không đáng kể. Cảm giác đau rất nhẹ trong và sau khi cắm minivis. Bệnh nhân có thể uống thuốc giảm đau không kê đơn nếu cảm thấy đau sau khi thuốc tê hết tác dụng. Không cần cần sử dụng thuốc kháng sinh ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có bệnh toàn thân kèm theo.
Các biến chứng trong thời gian tải lực
Lỏng minivis
Minivis có thể bị lung lay hay thậm chí bị lỏng. Trường hợp lung lay sớm, xảy ra trước khi tải lực hoặc sau khi tải lực một thời gian ngắn thì được xem là thất bại, khi đó nên tháo minivis ra và cắm lại vào chỗ khác. Hiện tượng lung lay sớm có xu hướng hay gặp hơn ở các bệnh nhân đang tăng trưởng hơn là các bệnh nhân người lớn, có lẽ do hoạt động tái cấu trúc xương mạnh hơn và mật độ xương thấp hơn. Tránh rung lắc và làm tổn thương xương trong khi cắm là rất quan trọng để giảm tỉ lệ thất bại của minivis.
Nếu minivis bị lung lay nhẹ vài tuần hoặc vài tháng sau khi tải lực chỉnh nha thì không cần phải tháo vis ra ngay. Vẫn có thể tiếp tục sử dụng vis nếu vis không gây kích thích niêm mạc mà vẫn chịu được lực kéo.
Khi minivis bị lỏng mà muốn cắm lại vis tại vị trí cũ, cần phải đợi 10 – 12 tuần để xương lấp vào chỗ trống và khoáng hóa.
Di chuyển minivis
Biến chứng này phụ thuộc vào tỷ lệ chỏm/ thân, khả năng nâng đỡ của xương và cường độ lực kéo. Minivis có thể bị nghiêng hoặc di chuyển tịnh tiến theo hướng lực kéo. Việc này sẽ làm minivis tiến sát tới mắt cài hoặc thân răng kế cận và gây kích thích mô mềm, hoặc gây khó khăn khi mắc chun chuỗi vào nhóm minivis.
Vệ sinh răng miệng kém và viêm nhiễm
Vệ sinh răng miệng kém do tích tụ thức ăn và mảng bám xung quanh minivis sẽ dẫn đến phản ứng viêm ở mô mềm kế cận với hậu quả là sưng và phì đại niêm mạc xung quanh minivis. Hình thái lâm sàng của phản ứng viêm không tỷ lệ với sự khó chịu của bệnh nhân, nhưng hiện tượng sưng kèm theo có thể gây khó khăn cho việc mắc khí cụ tạo lực vào chỏm minivis.
Để tránh viêm nhiễm, nên cố gắng cắm minivis qua lợi dính. Việc duy trì vệ sinh răng miệng là rất quan trọng, bệnh nhân cần được hướng dẫn chải xung quanh minivis. Nên cung cấp cho bệnh nhân loại bàn chải lông siêu mềm, bởi vì việc chải mạnh bằng bàn chải lông cứng có thể làm lỏng minivis. Cần chú ý không gõ vào chỏm minivis bằng đầu nhựa của bàn chải. Phản ứng viêm nhẹ xung quanh minivis có thể kiểm soát được bằng cách làm sạch, đắp oxy già và bơm rửa nước muối sinh lý.
Phần niêm mạc phì đại, phập phều xung quanh minivis có thể loại bỏ được bằng laser mô mềm hoặc dao điện, chú ý không để đầu dao điện chạm vào minivis, vì sự tiếp xúc và đầu dao điện sẽ tạo ra tia lửa điện có thể làm bệnh nhân bị giật.
Sự khó chịu của bệnh nhân
Nếu minivis được cắm qua niêm mạc di động vì lý do giải phẫu và sử dụng phương pháp kéo kín thì phần chun chuỗi hoặc chỉ thép thò ra có thể kích thích mô mềm gây khó chịu.
Các biến chứng khi tháo minivis
Các biến chứng trong quá trình tháo minivis bao gồm khó tháo do vis liên kết chắc chắn với xương và gãy minivis. Tuy nhiên các biến chứng này rất hiếm gặp. “Mômen” xoắn khi tháo vis sẽ nhỏ hơn khi cắm vis và tỷ lệ thuận với bình phương của bán kính minivis. Minivis có đường kính nhỏ thì sẽ cần “mômen” xoắn thấp khi tháo.
Vấn đề lớn nhất khi tháo minivis là đau, đặc biệt là khi có viêm niêm mạc. Cần gây tê bề mặt trước khi tháo minivis. Thường không cần phải tiêm tê tại chỗ. Sẽ có chảy máu nhẹ khi tháo vis nhưng lành thương sẽ diễn ra bình thường.
CẢM ƠN BÁC SĨ ĐÃ QUAN TÂM ĐẾN SẢN PHẨM CỦA VIỆT HÙNG GROUP Bác sĩ vui lòng để lại thông tin liên hệ. Chúng tôi có nhân viên phụ trách hỗ trợ riêng cho bác sĩ.